Trương Thị May 36 tuổi, từng đoạt danh hiệu Á hậu 1 Phụ nữ Việt Nam qua ảnh năm 2006; Á hậu 1 Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007; đại diện Việt Nam tham dự Miss Universe Vietnam 2013. Năm 2014, cô được được trang PETA – tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật châu Á – vinh danh là “Mỹ nhân ăn chay hấp dẫn nhất châu Á 2014”.
Á hậu Trương Thị May.
Mẹ truyền lửa cho chị em tôi
– Gia đình đã ảnh hưởng như thế nào để hình thành nên con người Trương Thị May như hiện tại, nhất là ảnh hưởng của mẹ?
Đối với May gia đình là quan trọng nhất, là nơi đã hình thành tính cách, con người và định hướng cho May có được một cuộc sống, một con đường và lý tưởng hành thiện như hôm nay. Bà ngoại và đặc biệt là mẹ đã nuôi dưỡng, giáo dục cho chị em May có cái nhìn tích cực, tấm lòng hướng thiện và lối sống tốt đời, đẹp đạo.
Sự ảnh hưởng của mẹ đối với May là rất lớn và sâu sắc, kể từ khi còn thơ bé hay cho đến hiện tại, những bài học mẹ mang tới cho May vẫn luôn xuất hiện mỗi ngày.
– Được biết, mẹ Trương Thị May là người theo đạo Phật. Việc chị ăn chay trường và theo đạo Phật của Trương Thị May có ảnh hưởng từ mẹ không?
Không chỉ riêng May mà các em trong nhà đều rất hạnh phúc khi được ăn chay trường từ nhỏ. Việc ăn chay trường và theo đạo Phật đã mang tới sự gắn kết sâu sắc giữa các thành viên trong gia đình May. Ngoài ra, nó còn giúp gia đình May có lối sống giản dị, tích cực, giàu lòng yêu thương.
Mẹ đã truyền lửa và dạy dỗ chị em May từ những điều nhỏ nhặt nhất, cho chị em May được đi đó đây, gặp các vị chân tu, nghe giảng pháp, dạy điều hay lẽ phải. Đó là những điều mà chị em May rất trân trọng.
Á hậu Trương Thị May và mẹ cô – bà Trương Mỹ Tiền, đã được vinh danh tại Best New Awards do Hội đồng báo chí và Giáo hội Phật giáo Thái Lan trao tặng.
– Tình cảm của Trương Thị May dành cho mẹ như thế nào? Chị đã từng khiến mẹ buồn lòng chưa?
Nếu mà tự nhận chưa bao giờ làm mẹ buồn thì không đúng lắm, May cũng là người có cá tính, có tự bốc đồng của tuổi trẻ, nên đôi lúc mình làm mẹ buồn lòng. Dù vậy, ngay khi nhận ra mình đã làm chưa đúng điều gì thì May sẽ trao đổi cùng mẹ để lắng nghe những dạy bảo của mẹ để mình sửa chữa bản thân. May nghĩ chìa khoá lớn nhất để May và mẹ tin tưởng và yêu thương nhau tuyệt đối đó là sự sẻ chia.
– Trong ký ức với mẹ, có câu chuyện nào khiến Trương Thị May rơi nước mắt, nhớ mãi cho đến thời điểm hiện tại?
Thời điểm bà ngoại bệnh nặng, nhìn thấy mẹ gắng gượng chăm sóc ngoại từng chút một, dù đau lòng, dù có mệt nhưng mẹ không một phút lơ là hay than thở. Sự hy sinh vì con cái trong vai trò người mẹ, sự hiếu kính bà ngoại trong vai trò người con, đã làm May rất xúc động trong khoảng thời gian đó. Mẹ chính là tấm gương để chị em May học tập và noi theo.
– Được biết, mẹ cũng là quản lý của Trương Thị May, theo chị trong nhiều hoạt động, trên khắp nẻo đường. Điều này có khi nào khiến chị thấy bị gò bó hay mất tự do?
Tại sao mình lại cảm thấy gò bó hay mất tự do khi có người yêu thương nhất đồng hành cùng? Ngược lại, May còn thấy may mắn, hạnh phúc khi được mẹ dạy dỗ, hỗ trợ trong công việc.
Khi mình làm chưa tốt trên sân khấu thì mẹ sẽ quan sát trực tiếp, ghi lại hình ảnh video để sau chương trình hai mẹ con sẽ xem lại và rút kinh nghiệm cho lần trình diễn sau. May nghĩ hiếm có quản lý nào có thể đồng hành với May chu toàn nhất có thể như mẹ, nên với May đó là sự may mắn trong sự nghiệp của mình.
Mẹ Á hậu Trương Thị May cũng là người quản lý của cô trong nhiều năm qua.
Hiếu thảo với cha mẹ là nền tảng để làm người
– Theo quan điểm của Trương Thị May, tại sao một người con phải có hiếu với cha mẹ và chị định nghĩa “đạo hiếu” là gì?
May nghĩ rằng “hiếu đạo” là một nền tảng cơ bản của một con người. Dù là trong văn hoá phương Tây hay phương Đông đều đề cao tình cảm gia đình, nghĩa vụ hiếu thảo với cha mẹ là điều phải làm của con cái. Nó là một giá trị đặc biệt trong văn hoá truyền thống của con người từ trước đến nay.
Chính vì vậy, từ bao đời nay dù trong tôn giáo hay văn hoá, giáo dục, chúng ta đều hiểu rằng hiếu đạo với cha mẹ chính là nền tảng để làm người và trở thành người có giá trị.
– Dưới góc nhìn của Trương Thị May, tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện đại nói chung, tình mẹ con nói riêng có những thay đổi ra sao?
Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời đại, mỗi nền văn hoá sẽ có cách thể hiện tình cảm gia đình khác nhau. Xã hội càng phát triển thì các phương tiện để thể hiện tình cảm gia đình cũng khác. May thấy có nhiều gia đình có hoàn cảnh là con cái không sống gần cha mẹ nhưng việc đều đặn gọi điện thoại mỗi ngày thăm hỏi trò chuyện động viên hay quan tâm chăm sóc gia đình đều đáng trân trọng.
Gia đình Á hậu Trương Thị May.
– Là một người con, bản thân Trương Thị May đã làm thế nào để giữ trọn chữ hiếu?
May nghĩ niềm hạnh phúc lớn nhất cho cha mẹ là có được những đứa con khôn lớn nên người, thành công dân tốt, giúp ích cho đời. Bởi vậy, trước tiên mình hãy là một người con đàng hoàng, tử tế.
Bản thân May may mắn sống gần gia đình và mỗi thành viên đều có sự yêu thương, gắn kết chặt chẽ. Từ trước tới nay, May cố gắng làm việc, học tập và sống tốt nhất theo định hướng gia đình, quan tâm chăm sóc các thành viên và tu dưỡng bản thân mỗi ngày.
– Theo Trương Thị May, tại sao đạo hiếu cần được gìn giữ, lan tỏa và truyền bá?
Theo quan điểm của May, đạo hiếu là nền tảng cốt lõi, là giá trị đạo đức của con người. Càng giữ gìn, càng lan tỏa đạo hiếu càng giúp con người sống có giá trị, trở thành những công dân tốt, những người có ích cho xã hội.
– Cảm ơn Trương Thị May về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!
Vi An/Theo Tạp chí Du Lịch TPHCM