Bỏ việc lương cao với 2 bằng Đại học về quê, cô gái trẻ kiếm 2 tỷ đồng/năm nhờ bí kíp đặc biệt

Bỏ việc lương cao với 2 bằng Đại học về quê, cô gái trẻ kiếm 2 tỷ đồng/năm nhờ bí kíp đặc biệt

Sở hữu 2 bằng Đại học và từ bỏ mức lương cao ở TP.HCM, cô gái về Đà Lạt đưa vườn nông sản của gia đình và bà con nông dân lên nền tảng số, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm từ livestream bán hàng.

Khi xã hội ngày càng phát triển, xu hướng “bỏ phố về quê” trở thành một trào lưu mới, đặc biệt là trong giới trẻ. Giữa muôn vàn lựa chọn nghề nghiệp với mức lương cao, nhưng có những bạn trẻ đã quyết định từ bỏ cuộc sống nhộn nhịp nơi đô thị để tìm về với thiên nhiên, với ruộng vườn và theo đuổi những đam mê tưởng chừng rất đỗi bình dị.

Câu chuyện đầy cảm hứng mà chúng tôi muốn nhắc tới là một cô gái trẻ tên Nguyễn Thị Tường Thảo (29 tuổi, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), người đã chọn con đường trở thành nông dân trên nền tảng số qua kênh Tiktok sau khi “bỏ phố về quê”.

Tiktoker nông dân lấy nickname Thảo Mola đã sở hữu kênh bán hàng trực tuyến với gần 300 nghìn lượng theo dõi, gần 2,5 triệu lượt thích và cả chục clip triệu view. Cô cũng là nhà lãnh đạo trẻ khi trở thành Phó giám đốc Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt ở tuổi 28. 

Thảo Mola dám từ bỏ công việc lương cao ở TP.HCM để về quê làm… nông dân thời đại số. Ảnh: NVCC

Trong năm qua, Tường Thảo đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh giải thưởng vì cộng đồng, nhà nông trẻ tiêu biểu, xuất sắc khi mang về lợi nhuận hàng năm đạt 2 tỷ đồng cho Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt và giúp đỡ hàng cho hàng chục lao động tại địa phương.

Sở hữu 2 bằng ĐH nhưng cô gái trẻ này quyết định nghỉ việc tại TP.HCM với mức lương cao để về quê làm Tiktoker nông dân, gắn bó với nông sản.

Không chỉ chia sẻ cuộc sống thôn quê qua những thước phim sống động, cô gái trẻ này còn mang đến cho cộng đồng những sản phẩm nông sản tươi ngon, chất lượng qua các buổi livestream bán hàng.

Bị sếp gạt ý tưởng đưa nông sản lên sóng livestream

Chào Tường Thảo! rất vui khi bạn đã dành chút thời gian cho cuộc trò chuyện với chúng tôi về chủ đề “Nông dân livestream bán hàng trên nền tảng số”. Cơ duyên nào khiến bạn từ bỏ công việc lương cao, “rời phố về quê” để bắt đầu khởi nghiệp với nông sản quê hương?

Tôi bắt đầu bán nông sản là từ khoảng tháng 9/2022, lúc đó nghỉ ở Sài Gòn về quê và xin vào Hợp tác xã làm. Nhận thấy Hợp tác xã còn đang là mô hình truyền thống, chỉ bán ở chợ hoặc ai tới mua biết nhau qua giới thiệu. Vận hành việc kinh doanh vẫn còn truyền thống, đến nỗi hệ thống website đã có 2 năm rồi nhưng không có bài viết mới.

Sau đó tôi mới đề xuất lên chị Giám đốc Hợp tác xã rằng: “Bây giờ phải truyền thông, phải thay đổi cách bán hàng vì em thấy rau đang tốt, sạch, mọi thứ đều rất tốt”. Tuy nhiên chị ấy không đồng ý vì sợ truyền thông vậy rồi bán như thế nào? đơn đi như sao?… Nên chị từ chối.

Có được 2 tấm bằng ĐH, từ bỏ công việc lương cao ở Sài Gòn, Tường Thảo về quê lan tỏa nông sản quê hương qua livestream

Thuyết phục lãnh đạo không được, tôi chấp nhận vẫn làm thuê như bình thường. Nhưng cũng từ đây, trong quá trình làm tôi đã tự lập cái kênh Tiktok cho riêng mình tự đăng video lên. Bất ngờ các video có viral (lan tỏa), có nhiều người xem hơn.

Sau đó tôi đề xuất lại với chị Giám đốc Hợp tác xã là “bây giờ mọi người hỏi nhiều lắm, mình cứ bán đi, để em tính”. Tuy nhiên, trước khi đề xuất tôi đã phải tính bài toán kinh tế lợi nhuận cho lãnh đạo xem nữa. Cụ thể, giá bán, chi phí vận hành, chi phí sàn thương mại điện tử,… là bao nhiêu.

Sau khi nghe tôi đề xuất, chị Giám đốc miễn cưỡng đồng ý, nói: “Ừ! mày bán đại đi”. Đây là câu nói mà tôi nhớ nhất. Kiểu như ngầm phó mặt cho tôi muốn làm gì làm. Có thể lúc đó chị cũng nghĩ không biết tôi có làm được hay không (cười).

Khi được lãnh đạo đồng ý, tôi bắt đầu đẩy mạnh hơn việc ra video và livestream bán nông sản. Ngay khi kênh TikTok được mở shop bán hàng, rất bất ngờ khi chỉ trong vòng 15 phút livestream bán ớt trái cây đã chốt được gần 1.000 đơn hàng. 

Bạn lấy nickname “Thảo MoLa”, ý nghĩa của tên này là gì?

Mọi người thường gọi tôi là Thảo Moa. Từ MoLa là viết tắt của “Món lạ vườn nhà”.

Quá trình chuẩn bị cho 1 buổi livestream bán nông sản của bạn diễn ra như thế nào?

Nó rất là đơn giản, không có gì ngoài cái điện thoại, nhưng quan trọng phải có nguồn hàng, đặc biệt là hàng nông sản tươi. Lúc này mình phải dự liệu được sản lượng. Vì nếu trường hợp bán mà dư hàng thì không nói, nhưng mà thiếu hàng thì mình sẽ bị trễ đơn.

Mà trễ đơn trên sàn thương mại điện tử thì gặp rắc rối hơn vì sàn đã giới hạn thời gian nhất định, nghĩa là họ giới hạn cho mình là trong vòng bao nhiêu giờ đó phải giao hàng, gửi hàng cho Bưu cục lấy đi.

Một phiên livestream “dã chiến” tại vườn của Thảo MoLa.

Để thuyết phục khách hàng bằng sự chân thật, người lievstream cầm điện thoại di chuyển khắp vườn.

Ngoài chiếc điện thoại và nguồn hàng thì người livestream cũng phải có được tinh thần, trạng thái tốt. Chỉ vậy thôi!

Thú thật, từ hồi bắt đầu livestream đến giờ tôi chỉ dùng một cái điện thoại thôi. Chỉ những chương trình của Tiktok shop, hay những nhãn hàng lớn họ livestream bằng camera chuyên nghiệp. Còn bản thân tôi chỉ livestream ở nhà nên chỉ có cái chân chống cố định và cầm điện thoại cắm vô rồi livestream bán hàng. Thậm chí khi tôi đi ra vườn livestream cũng chừng đó, thêm cái máy tính để mình vận hành các thao tác như chốt đơn, giá, chỉnh số lượng, ghim sản phẩm,…

Thu hút khách bằng nông sản sạch, tốt cho sức khỏe

Bí quyết nào để bạn giữ chân và thu hút khách hàng trong các buổi livestream của mình?

Thật ra, vấn đề này nó còn tùy thuộc vào cái tệp khách hàng. Ví dụ như có những kênh livestream tới 1.000-2.000 mắt xem nhưng tỉ lệ chuyển đơn không có hoặc những kênh mà cả triệu follower (người theo dõi) nhưng lại không bán được hàng, khi lên livestream cũng rất ít người tương tác, dẫn đến không thể bán hàng được.

Còn kênh của tôi với số lượt like (thích) không nhiều, follower không nhiều, livestream cũng không nhiều mắt xem như người ta nhưng khi được bao nhiêu lượt xem thì tỷ lệ về lượt chuyển đổi lại rất cao. Tại vì tôi đã xây dựng ngay từ đầu về sản phẩm và kênh bán hàng đều gần sát với đối tượng mục tiêu của mình.

Thảo MoLa ăn trực tiếp sản phẩm vừa thu hoạch trên sóng livestream để tạo sự chân thật, uy tín. 

Tức là ai quan tâm đến kênh của mình là họ có nhu cầu, chứ riêng bí quyết để lên sóng thì chỉ có trạng thái tốt và năng lượng mình thật cao thôi.

Do vậy để giữ chân khách hàng chủ yếu vẫn là do đặc thù về sản phẩm. Như sản phẩm tôi đang bán không phải là sản phẩm để ăn vặt mà là sản phẩm dinh dưỡng. Lúc nào lên livetream tôi cũng phải làm sao sản phẩm đặc thù đó nó mang lại được cái gì cho khách hàng, thì tỷ lệ chuyển đổi nó sẽ cao, chứ mình không có hướng đến lượt mắt xem hay giải trí.

Nói chung là tùy vào tệp khách hàng, tệp khách hàng của tôi là ở tuổi trung niên trở lên, lứa tuổi này mua nhiều vì họ quan tâm sức khỏe của bản thân và của gia đình. Vì là sản phẩm đặc thù nên họ chấp nhận mua giá cao vì nó an toàn cho sức khỏe của họ.

Cô nông dân trẻ hướng đến sản phẩm đạt chất lượng dinh dưỡng tốt để tạo sự bền vững cho việc bán nông sản qua livestream.

Phiên livestream bán hồng do quê mình trồng của Thảo MoLa.

Mặc khác, trên mỗi phiên livestream mình phải mang đến cho họ được cái giá trị từ sản phẩm của mình, từ cái kênh của mình. Có thể khách họ chỉ xem, không mua nhưng họ vẫn sẽ biết được những sản phẩm này nếu vô tình ở đâu đó họ được thử và họ biết cái này là cái gì, nó mang gì đến cho mọi người,… Đây cũng là phong cách của kênh bán hàng trực tuyến mà tôi đang hướng đến.

Những thách thức lớn nhất mà bạn đã phải đối mặt trong công việc này là gì, và bạn đã vượt qua chúng như thế nào?

Đó là vấn đề vận chuyển. Tại vì hàng nông sản tươi nếu vận chuyển lâu ngày thì nó sẽ bị hư hoặc Shipper quăng ném quá cũng bị hư, dập. Mà bị hư, dập thì mình phải đền bù tiền cho khách hàng, hư bao nhiêu mình phải đền tất tần tật, nếu không sẽ bị khách đánh giá. Khi bị khách đánh giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kênh. Đây là những thách thức lớn nhất mà tôi phải đối mặt.

Làm thế nào mà bạn có thể quản lý được các yếu tố rủi ro như chất lượng sản phẩm, vận chuyển, hay phản hồi tiêu cực từ khách hàng?

Về yếu tố chất lượng, tất nhiên để mình bán được mỗi sản phẩm này mà khách có thể quay lại mua thêm nhiều lần nữa thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu, cho dù có nói hay đến cỡ nào đi nữa nhưng mà cứ chất lượng đi đã.

Tệp khách hàng trung niên họ đã có kinh nghiệm và quá hiểu biết về thị trường cũng như về sản phẩm họ muốn mua, chứ không phải họ thấy hay là họ mua, cho nên chất lượng phải đi đầu trong bán hàng của tôi.

Còn về vận chuyển, vấn đề này mình không tránh khỏi được với đơn vị vận chuyển đâu. Tuy nhiên mình sẽ có cách là ghi chú đơn vô cho khách hàng, mình đền bù cho khách hàng để làm sao họ hài lòng là được. Tức là mình phải tính trong phần trăm vận hành của mình.

Ngoài livestream, cô cũng thường xuyên chia sẻ video trải nghiệm vườn nông sản tại quê nhà. Ảnh: NVCC

Khoảnh khắc nào bạn cảm thấy tự hào nhất trong hành trình bán nông sản trực tuyến của mình?

Khoảnh khắc mà tôi cảm thấy tự hào nhất trong 2 năm làm nông dân là khi mình chấp nhận bỏ 2 bằng đại học và từ bỏ 1 công việc tốt ở Sài Gòn để về quê giúp gia đình và bà con nông dân khác có thêm thu nhập cao hơn qua việc bán hàng trên nền tảng số.

Cũng nhờ đó mà tôi đã nhận được giải thưởng của Tiktok shop là kênh bán hàng trực tuyến có sức ảnh hưởng lớn trong năm, hỗ trợ tích cực đối với cộng đồng nông sản cả nước trong năm vừa qua. Giây phút đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào nhất sau quyết định “rời phố về quê”.

Hiện tại bạn đang giúp đỡ những nông dân khác livestream, tiếp cận các nền tảng trực tuyến như thế nào?

Không chỉ giúp bà con ở quê mình, vừa rồi tôi cũng đi đến tỉnh Trà Vinh hỗ trợ bà con livestream, giúp đỡ các doanh nghiệp tại đây phát triển trên sàn thương mại điện tử để lan tỏa nông sản của họ trên kênh bán hàng của mình, từ đó có nhiều người biết đến hơn.

Tường Thảo luôn hướng để nông sản OCOP để nâng cao chất lượng cho khách hàng. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, trong năm vừa rồi tôi cũng đã đi nhiều tỉnh thành làm chương trình về nông sản OCOP do Trung ương đoàn Thanh niên kết hợp với Tiktok shop để hỗ trợ bà con, những doanh nghiệp nhỏ bán sản phẩm trên nền tảng trực tuyến.

Trong tương lai bạn có kế hoạch mở rộng công việc kinh doanh của mình không? Nếu có, hướng đi đó sẽ như thế nào?

Chắc chắn rồi! Hướng đi sẽ có, nhưng mà hướng đi của tôi khi về quê hương phát triển nông sản là phát triển nông sản sạch.

Đây là cái yếu tố cốt lõi để những khách hàng theo dõi kênh bán hàng trực tuyến của mình thì họ sẽ yên tâm, dù có bán sản phẩm nào đi nữa. Và đây vẫn là phương châm của tôi hướng đến trong thời gian tới.

Doanh thu trăm triệu mỗi lievstream bán nông sản

Công việc này đã thay đổi cuộc sống của chị như thế nào, cả về mặt tài chính và mặt cá nhân?

Thật ra khi tôi chấp nhận về quê phát triển ngành nông sản này, cũng như hồi đó xin vô Hợp tác xã với 1 ý nghĩ là dù được trả lương chỉ 3 triệu đồng/tháng nhưng vẫn muốn làm. Mức lương này thấp hơn nhiều so với tôi làm tại phòng thí nghiệm ở Sài Gòn, nhưng khi đã về quê thì mức lương đó đã không còn quan trọng đối với mình nữa, vì quan trọng là làm được điều mình muốn. Đổi lại mức lương tại Hợp tác xã không cao nhưng với cách bán hàng như vậy, sau này có nhiều người sẽ biết đến nông sản.

Mà điều mà tôi vui nhất là những sản phẩm tôi bán nhưng hồi giờ mọi người không biết luôn, thậm chí bản thân tôi ngày xưa còn không biết có sản phẩm đó (cười).

Thảo MoLa giới thiệu về vườn chanh dây của quê nhà. Ảnh: NVCC

Và bây giờ mọi người biết đến nó là sản phẩm nông sản của Đà Lạt. Đồng thời mọi người cũng biết đến Thảo Mola bán nông sản đó ở Đà Lạt, cũng như biết Thảo Mola đang sinh sống Đà Lạt.  

Cũng từ đó tài chính cũng sẽ tăng lên và liên kết với nhiều hộ nông dân hơn, bà con trồng nhiều hơn, qua đó giúp người nông dân có nguồn thu nhập cao hơn. Do vậy mình bán được giá cao thì bà con cũng sẽ có nguồn lợi là sẽ được bán với giá cao, đôi bên cùng có lợi.

Hiện giá trị của một đơn hàng của tôi giao động từ 150.000 – 200.000 đồng. Tuy nhiên vấn đề này còn tùy thuộc vào chính sách của nền tảng số. Ví dụ người ta có thể bán 1kg chanh dây, nhưng tại sao tôi phải bán 3kg? Bởi vì 3kg mới được 180.000 đồng, đạt mức giá này mới được miễn phí vận chuyển hoặc có những voucher khác. Còn nếu bán 1kg, sẽ tốn thêm 40-50.000 đồng tiền ship.

Những giải thưởng cộng đồng của cô nông dân trẻ nhờ lan tỏa nông sản quê hương. Ảnh: NVCC

Hơn nữa, mặt hàng nông sản con phụ thuộc vào thu hoạch. Ví dụ ngày mai tôi thu được 1 tấn ớt, có thể bán được khoảng 90 – 150 triệu đồng, nhưng nếu mà thu hoạch chỉ được 20kg – 30kg thì rõ ràng doanh số không xác định được trung bình. Mỗi tháng tôi livestream và quay video khoảng 20 ngày, tùy theo mùa vụ ở vườn. 

Chỉ tính riêng trong tháng 6/2023, nhờ livestream bán hàng tôi rất vui khi mang về doanh thu 1,2 tỷ đồng cho Hợp tác xã. 

Làm thế nào bạn có thể duy trì động lực và sự nhiệt huyết trong công việc này vào mỗi ngày?

Đam mê và đam mê nói chuyện trên livestream. Thật ra tất cả đam mê đều phục vụ cho một điều đó là cuộc sống tốt hơn. Ai cũng sẽ có 1 cái khác khao là cuộc sống của mình và gia đình được cải thiện, của bà con xung quanh mình được cải thiện.

Đó là động lực để mình “cày” mỗi ngày. Khi mình “cày” nhiều thì bà con xung quanh mình sẽ có thêm việc làm, sẽ có thêm thu nhập. Nếu mà bán được nhiều, bà con sẽ trồng thêm vụ mới, trồng nhiều nông sản hơn để phục vụ cộng đồng.

Sau khi “rời phố về quê” khởi nghiệp và đã gặt hái được “quả ngọt”, lời khuyên mà bạn muốn chia sẻ đến những người trẻ đang có ý định kinh doanh nông sản trực tuyến là gì?

Tôi chỉ muốn chia sẻ một điều đó là… lỳ và dám làm. Tại vì, nếu như thời điểm ban đầu Giám đốc Hợp tác xã không chấp nhận đề xuất của tôi, nếu lúc đó tôi bỏ cuộc luôn, không theo đuổi định hướng ban đầu của mình thì sẽ không có được thành quả như hiện tại.

Sự chất lượng của nông sản, chân thật trong lời nói và hành động đã giúp Thảo MoLa thành công khi “bỏ phố về quê”. Ảnh: NVCC

Vì vậy, các bạn cũng đừng có sợ gì cả, cứ làm thôi. Nếu mình cứ thấy sợ, tất nhiên không bao giờ thành công, mình sợ thì sẽ không dám làm gì cả.

Thú thật tôi cũng đã có vài lần vấp ngã sụp hố, thất bại tràn trề, te tua tan nát trong lần đầu bán nông sản. Thời điểm đó, mình xuất đi 2-3 tấn ớt (ớt sweet palermo, loại ớt sừng ngọt, xuất xứ Hà Lan được trồng phổ biến ở Đà Lạt trong vài năm gần đây) nhưng bị hư hết vì mình chưa có kinh nghiệm.

Nhưng nếu như vậy mà mình sợ, bỏ cuộc thì coi như mình đi sau người khác rồi. Phải mất khoảng vài tháng, tôi mới kiểm soát được thất bại đó, cải tiến lại sản nông sản.

Thật ra, cho đến hiện tại tôi vẫn gặp khó khăn và chắc chắn vẫn sẽ có điều đó, vì mỗi thời điểm mình bán mỗi sản phẩm, nó sẽ có mỗi khó khăn khác nhau. Không ai tài giỏi mà có thể khắc phục toàn bộ hết từ đầu đến cuối hành trình. Do đó cần phải có quá trình cải thiện từng bước để tiến bộ, phát triển hơn. 

Xin cảm ơn những chia sẻ rất thú vị của bạn!

Tứ Quý/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM

Chia sẻ:

Bài viết tương tự

Xem thêm các bài viết mới nhất liên quan đến vấn đề này

Nhờ kỳ tích giàn mướp, lão nông TP.HCM bỏ nhà lá xây biệt thự

Làm điều này tại vườn ổi trên đất phèn, bảo sao anh nông dân TP.HCM thu nửa tỷ đồng mỗi năm

Ước mơ bình thường của người mẹ phi thường vượt qua nghịch cảnh