Đưa sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT xuyên biên giới
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thương – Giám đốc điều hành Tập đoàn truyền thông Halotimes, cho hay, Halotimes là đơn vị phát triển đa lĩnh vực. Về lĩnh vực công nghệ, Halotimes tự hào là doanh nghiệp đa hệ sinh thái, đã cung cấp dịch vụ đến 192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong đó, mạng xã hội du lịch Hahalolo và mạng xã hội du lịch Soctrip phát triển mạnh mẽ. Trên Soctrip có OTA – Dịch vụ du lịch trực tuyến, Social – Mạng xã hội và E-Commerce – Thương mại điện tử.
Ngoài ra, Halotimes đầu tư vào các phương tiện truyền thông, hợp tác với các tạp chí để xây dựng đội ngũ tri thức tại Việt Nam. Song song với đó, Halotimes còn hợp tác với giới văn nghệ sĩ để xây dựng đội ngũ truyền thông, quảng bá tới công chúng. Đồng thời, công ty xây dựng trung tâm sản xuất nội dung, sở hữu và xử lý một khối lượng nội dung thông tin đồ sộ.
Và đặc biệt, để giải quyết được vấn đề quan trọng nhất, Halotimes tin rằng, người dân phải sống được bằng sản phẩm của mình làm ra, bằng sản vật của địa phương ấy. “Chúng ta hô hào rằng làm các sản phẩm du lịch xanh, các sản phẩm gắn liền với văn hóa nhưng người dân không kiếm ra tiền, doanh nghiệp cũng không thu lợi được từ sản phẩm ấy thì hô hào, quảng bá hay làm tất cả mọi thứ thì đều không giải quyết được gốc rễ vấn đề”, ông Lê Văn Thương nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu của mình, ông Lê Văn Thương chỉ ra tầm quan trọng và thực trạng của việc làm sao để đưa các sản phẩm gắn liền với đặc sản, di sản địa phương lên sàn thương mại điện tử. Điều này đã có trong chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, việc đưa Sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) như một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và khuyến khích thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng giá trị của Việt Nam trên sàn thương mại điện tử đang đứng top đầu thế giới. Tuy nhiên, giá trị mà những sản phẩm OCOP mang lại trên sàn TMĐT vẫn còn chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng giá trị to lớn này. Tìm ra nguyên nhân người dân gặp khó khăn khi đưa nông sản địa phương lên sàn TMĐT và giải quyết những khó khăn đó là điều Halotimes sẽ thực hiện nhằm đưa sản phẩm OCOP không chỉ của Bắc Kạn mà còn của 6 tỉnh Việt Bắc lên sàn TMĐT xuyên biên giới.
Theo ông Lê Văn Thương, khó khăn lớn nhất của quá trình đưa sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT nhất chính là làm sao giải quyết được khâu vận chuyển. Hệ sinh thái của Halotimes sẽ phải tìm ra giải pháp để người Mỹ mua được cam, chanh… của người nông dân Việt.
Thứ hai, phải truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm, để mang lại giá trị thương hiệu. Thứ ba, khâu marketing chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng trong quá trình này.
Ông Lê Văn Thương cho biết: “Đã có rất nhiều chương trình tọa đàm nói về vấn đề làm sao để đào tạo người nông dân, địa phương tự marketing, bán hàng. Nhưng một thử thách lớn của chúng ta là tất cả các sàn TMĐT tại Việt Nam mà người dân đang ưa chuộng hiện nay đều không phải của Việt Nam.
Đó là trăn trở của chúng tôi, cũng là lý do mà chương trình hành động “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam” ra đời.
Chúng tôi mong muốn tìm ra biện pháp, để cùng với các tỉnh, các địa phương giải quyết các vấn đề mà người nông dân đang gặp phải. Nếu người dân thuận lợi bán được hàng, được sản phẩm do chính mình làm ra trên quê hương mình, đó là phát triển du lịch. Chỉ khi người dân thu được lợi ích, doanh nghiệp thu được lợi ích thông qua những hoạt động này thì mới tạo ra được những giá trị phát triển bền vững”.
Giải pháp mà Halotimes đưa ra là, đầu tiên, xây dựng chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Có nghĩa là khi người nông dân đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT của Halotimes thì sẽ tối ưu hóa được chi phí về vận chuyển, kho bãi.
Thứ hai, trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Halotimes kết hợp chặt chẽ với địa phương, cho ra một định vị thương hiệu, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ. Bởi nông sản, các sản phẩm xanh, OCOP là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tưới sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, khi định vị được thương hiệu sản phẩm cũng sẽ tác động tới việc quảng bá văn hóa.
Chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam” do 9 đơn vị truyền thông phối hợp tổ chức gồm: Tạp chí Triết học, Tạp chí Du lịch TP. HCM, Tạp chí Xưa và Nay, Tạp chí Gia đình mới, Tạp chí Dân tộc và Thời đại, Tạp chí kinh tế Châu Á Thái Bình Dương, Trang Thông tin điện tử tổng hợp Yolo24h, Mạng xã hội du lịch Soctrip, Tập đoàn truyền thông Halotimes.
BTC chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam” cũng sẽ triển khai các chương trình hành động như: Sản xuất Chương trình truyền hình thực tế, chương trình hỗ trợ sản vật địa phương, hội chợ Livestream nông sản trực tuyến, Tuần lễ văn hoá quốc tế…
Tạo ra các doanh nghiệp triệu đô từ kinh doanh sản vật địa phương
Nói về các chương trình hành động của chiến dịch “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam”, ông Lê Văn Thương cho biết, sẽ tổ chức một chuỗi các chương trình truyền hình thực tế, đưa các nghệ sĩ, các KOL về với từng địa phương, làng nghề tại Việt Nam để đồng hành người dân, vừa đưa nông sản lên sàn TMĐT và biến mỗi người dân trở thành 1 hướng dẫn viên du lịch, người bán hàng dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi kết hợp người nổi tiếng và những chuyên gia livestream bán hàng về từng vùng, từng địa phương để đồng hành người dân trong quá trình này… Đặc biệt, tạo ra một nghề nghiệp mới cho người dân, họ không cần phải lên thành phố, không cần qua thương lái mà ở ngay địa phương này cũng có thể kiếm được thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu…
Điều này sẽ thúc đẩy người dân kiên trì bám làng, cố gắng làm giàu trên đất quê hương mình. Từ những trường hợp đó, chúng ta có thể sản sinh ra những doanh nghiệp triệu đô, làm giàu từ nông sản…”, ông Lê Văn Thương khẳng định.
Lễ ký kết, hợp tác với 6 tỉnh Việt Bắc là sự khởi đầu, để đi vào chi tiết hơn, BTC chương trình sẽ tiếp cận với các làng nghề, các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực này để đồng hành. Như vậy, mới tạo ra được doanh nghiệp địa phương phát triển, người dân địa phương làm giàu…
Ông Lê Văn Thương nhấn mạnh: “Toàn bộ chiến dịch này, với vai trò là một công ty phát triển đa quốc gia, Halotimes sẽ là người đi trước, đầu tư về hạ tầng, cơ sở và đảm bảo đưa các sản phẩm OCOP từ các tỉnh Việt Bắc vào hệ thống logistic của mình.
Đặc biệt, Halotimes luôn đặt mục đích lấy văn hóa làm sản phẩm cốt lõi để phát triển, thực hiện mục tiêu giúp người dân sống bằng chính cái nghề của địa phương, gìn giữ nghề truyền thống chính là gìn giữ du lịch, gìn giữ văn hóa. Theo đúng như chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.