Với sự hy sinh thầm lặng cho gia đình, con cái, hình ảnh người Mẹ Việt Nam vẫn luôn là niềm cảm hứng bất tận cho các tác phẩm nghệ thuật hiện đại từ điêu khắc đến những bức ảnh đong đầy cảm xúc.
Tình mẫu tử bất diệt trong lịch sử dân tộc qua tượng đài “Mẹ miền Nam”
Trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, hình ảnh người mẹ luôn là biểu tượng thiêng liêng và cao quý. “Mẹ Việt Nam” không chỉ đơn thuần là hình ảnh của một người phụ nữ nuôi nấng con cái mà còn là hiện thân của sự hy sinh, lòng bao dung và tình yêu thương vô bờ bến.
Từ những câu chuyện trong văn học, những bài ca dao, dân ca đến các tác phẩm nghệ thuật hiện đại, Mẹ Việt Nam luôn xuất hiện với vai trò quan trọng, gắn liền với truyền thống và bản sắc dân tộc.
Tượng đài “Mẹ miền Nam” được đặt trong khuôn viên Bảo tàng.
Nhắc đến Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM), nhiều người dân và du khách tham quan đều rấn ấn tượng với nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật về người Mẹ.
Điển hình nhất là tác phẩm tượng đài “Mẹ miền Nam” đặt giữa khuôn viên của Bảo tàng, dưới chân tượng là 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”. Đây là 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã phong tặng phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.
Tác phẩm nghệ thuật điêu khắc về Mẹ với 8 chữ chữ vàng được đặt dưới bục bức tượng.
Tượng đài được làm bằng đồng cao 4,5m, là một biểu tượng văn hóa quan trọng, tôn vinh hình ảnh người Mẹ Việt Nam, đặc biệt là những người Mẹ miền Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Tác phẩm này được khắc họa với vẻ đẹp giản dị nhưng đầy sức mạnh, thể hiện sự kiên cường và lòng hy sinh của những người Mẹ đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng và tương lai của dân tộc.
Bên cạnh đó, hình ảnh người Mẹ cũng được khắc họa trong tư thế đứng vững chãi, đôi mắt đầy sự suy tư nhưng cũng lấp lánh niềm hy vọng. Người Mẹ trong tác phẩm mặc áo bà ba, trang phục đặc trưng của phụ nữ miền Nam, với nét mặt hiền từ, bao dung, nhưng không giấu nổi những vết hằn của gian khó và mất mát.
Tượng đài được khắc họa với hình dáng người Mẹ kiên trung.
Điểm nhấn của tác phẩm là đôi bàn tay của Mẹ, một tay che chở cho con, tay kia ôm chặt lấy trái tim, như muốn truyền tải tình yêu vô điều kiện và sự bảo vệ vững chãi cho con của mình. Qua đó xứng đáng là một trong những tác phẩm văn hóa hình thể đặc sắc và ấn tượng nhất về Mẹ.
Tác phẩm tượng đài “Mẹ miền Nam” không chỉ là một công trình nghệ thuật mà còn là một biểu tượng văn hóa, thể hiện lòng tri ân sâu sắc của người dân đối với những người Mẹ Việt Nam đã hy sinh tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ngoài tác phẩm trên, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng trưng bày nhiều bức tượng khác khắc họa về Mẹ với nhiều hình dáng, kích thước được chạm khắc chân thực.
Tác phẩm điêu khắc “Người mẹ cầm súng”.
Trong đó có tác phẩm điêu khắc “Người mẹ cầm sung” được làm bằng thạch cao, khắc họa hình ảnh Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Út (Út Tịch), người mẹ của 6 con nhỏ dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh chống Mỹ với câu nói bất hủ “còn cái lai quần cũng đánh”.
Tác phẩm điêu khắc “Bú dở”.
Hay như tượng “Bú dở” bằng chất liệu thạch cao kích thước cao 76cm, dài 145cm. Tác phẩm tái hiện hình ảnh người Mẹ cầm súng sẵn sàng chiến đấu vừa cho con bú, thể hiện tinh thần “giỏi việc nước, đảm việc nhà” và truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của người phụ nữ miền Nam.
Mẹ gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống gia đình Việt
Trong suốt chiều dài lịch sử, Mẹ Việt Nam được biết đến với vai trò là những người phụ nữ kiên cường, chịu đựng nhiều mất mát trong các cuộc chiến tranh. Các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã âm thầm hy sinh, tiễn đưa chồng, con ra trận, chịu đựng nỗi đau mất mát để bảo vệ đất nước.
Từ đó, hình ảnh Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm nghệ thuật hiện đại. Từ những tác phẩm điêu khắc đến những bức hình chụp lại khoảnh khắc đầy cảm xúc, lột tả được sự tần tảo của Mẹ qua các hoạt động mưu sinh hàng ngày.
Nhiều hiện vật như nông cụ, tranh ảnh về Mẹ được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.
Trong đó, có những bức ảnh chụp về sự chịu thương, chịu khó của người Mẹ được Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sưu tầm, trưng bày rất chân thực.
Từ hình ảnh Mẹ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngoài cánh đồng lúa đến chân dung người Mẹ tần tảo sớm hôm phát huy làng nghề truyền thống gia đình hay Mẹ gìn giữ nét đẹp gói bánh chưng, bánh tét trong văn hóa gia đình Việt Nam dịp Tết,…
Hình ảnh những người Mẹ làm bánh hỏi ở Long An để gìn giữ một làng nghề truyền thống của gia đình, địa phương.
Bức ảnh mẹ đang kéo bánh hỏi tại lò được thể hiện chân thực.
Những tác phẩm văn hóa nghệ thuật được thể hiện qua các bức ảnh, có thể thấy rằng trong gia đình Việt Nam, người Mẹ vẫn giữ vai trò trung tâm trong việc chăm sóc, giáo dục con cái và giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc sống hiện đại, như công việc, áp lực kinh tế các bà mẹ Việt Nam vẫn luôn nỗ lực để đảm bảo con cái được nuôi dạy tốt nhất. Họ không chỉ là người nội trợ mà còn là những người phụ nữ đảm đang, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã hội.
Bức ảnh Mẹ dải nắng rê lúa và phơi lúa.
Qua bao thăng trầm lịch sử, Mẹ Việt Nam được xem là biểu tượng của tình yêu thương, sự hy sinh và lòng kiên cường. Mẹ vẫn luôn tỏa sáng, gắn bó mật thiết với bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc. Mỗi người con đất Việt, dù ở đâu, làm gì, luôn mang trong lòng sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc đối với Mẹ Việt Nam – người đã trao cho họ sự sống, tình yêu và những giá trị thiêng liêng nhất của cuộc đời.
Những người Mẹ đi đánh giậm và bắt cá trên đồng.
Các bà Mẹ gói bánh tét để gìn giữ nét đẹp văn hóa gia đình, dân tộc Việt Nam vào dịp Tết cổ truyền.
Tác phẩm người Mẹ vui mừng khi nhận tin con từ đảo xa.
Tính đến tháng 6/2022, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ quản lý 44.108 hiện vật và tài liệu khoa học. Trong đó hơn một nửa là hiện vật loại hình chiến tranh cách mạng, còn lại là hiện vật văn hóa bao gồm nhiều chất liệu. Các hiện vật được chia thành 24 bộ sưu tập theo chủ đề hoặc theo chất liệu, trong đó có 6 bộ sưu tập hiện vật quý hiếm. Hầu hết hiện vật được bảo quản theo đúng hướng dẫn của Cục Di sản Văn hóa theo từng chất liệu với ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Ngoài ra, thư viện của bảo tàng có trên 12.000 đầu sách chuyên đề về phụ nữ và hàng ngàn sách báo, tạp chí.
Tứ Quý/Theo Tạp chí Du Lịch TPHCM