Trên con đường Nguyễn Khoái (Quận 4), TP.HCM, ai cũng quen thuộc với hình ảnh của bà Lê Thị Lệ Nga, 58 tuổi, với nồi cháo nghi ngút khói. Bà Nga chỉ có một tay nhưng vẫn thoăn thoắt múc cháo, dọn bàn ghế, lau rửa chén bát…
Người phụ nữ khiếm khuyết tràn đầy nghị lực
Những ngày Sài Gòn nắng nóng đến ngộp thở, bà Nga vẫn tận tâm phục vụ từng tô cháo nóng hổi cho khách. Mặc cho mồ hôi rơi ướt đẫm trên gương mặt, thấm qua lớp áo mỏng, nụ cười luôn nở trên môi của người phụ nữ lớn tuổi khi chào đón mỗi thực khách ghé thăm.
Chỉ với một cánh tay trái, bà Nga nhanh nhẹn phục vụ từng bát cháo nóng, giữ cho mình tinh thần lạc quan và niềm tin vào tương lai.
Bà Nga cùng xe cháo đã gồng gánh gia đình và đưa con gái đến được với giảng đường Đại học Y dược.
Bà Nga kể, cánh tay phải của bà bị mất khi còn nhỏ. Cô bé Nga nhỏ xíu với cơ thể không lành lặn khi ấy lớn lên trong vòng tay của ông bà ngoại bởi bố bà mất sớm, còn mẹ đi làm xa rồi biệt tăm. Bà Nga tâm sự, từ khi sinh ra, bà chưa bao giờ có cơ hội hỏi mẹ vì sao bản thân lại bị như vậy.
Bà vẫn đi học, tập viết bằng tay trái, tập làm mọi thứ chỉ bằng tay trái. Dù khó khăn hơn so với người bình thường nhưng chưa bao giờ bà than trách số phận, cố gắng hoàn thiện công việc từng ngày. Bà tin rằng được sinh ra trên đời này đã là một phước lành.
Học đến năm cấp 3, bà Nga phải bỏ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ở tuổi 17, bà rời nhà, bắt đầu cuộc hành trình tự lập đầy gian truân. Lăn lộn với cuộc đời 10 năm, kinh qua đủ nghề, nếm trải đủ nỗi vất vả nhưng bà Nga vẫn lạc quan, tin tưởng vào những điều tích cực, bởi còn có thể sống và kiếm tiền nuôi sống bản thân cũng là một loại hạnh phúc đối với bà.
Người phụ nữ nghị lực và tràn đầy niềm vui sống ấy tìm thấy điểm tựa để cùng vượt qua những thử thách của cuộc sống ở tuổi 27. Bà Nga và người chồng của mình gặp gỡ, cảm mến, kết hôn rồi có với nhau hai cô con gái. Đều là những người dân lao động bình thường, cuộc sống của gia đình bà Nga không dễ dàng. Có nhiều lúc khó khăn đến mức phải vay mượn khắp nơi, thế nhưng chưa bao giờ hai vợ chồng bà nghĩ đến việc dựa dẫm vào ai. Họ luôn kiên trì làm việc, trả nợ và tiết kiệm để lo cho con ăn học.
Để nuôi các con, bà Nga không nề hà bất cứ công việc gì, từ làm tạp vụ, bán vé số, bán rau, đến bán cháo. Trời thương khi chuyển sang bán cháo, xe cháo của bà được nhiều người ủng hộ, đặc biệt ai có rất nhiều khách quen thường xuyên ghé quán.
Để chuẩn bị nguyên liệu cho 1 ngày bán, bà Nga phải thức dậy từ 5, 6h sáng, loay hoay bán đến khi nào hết nồi cháo thì mới nghỉ.
“Trước đây tôi làm tạp vụ, bán vé số, trái cây, bán rau… Nhưng rồi thấy bán cháo thì giữ được chân khách nhiều hơn, mọi người cũng đến ủng hộ nhiều, kiếm được chút đỉnh cho con gái ăn học,” bà Nga chia sẻ.
Để chuẩn bị cho xe cháo rong ruổi suốt ngày dài, bà Nga phải thức dậy từ 5h sáng, loay hoay đến hơn 10h mới xong, bắt đầu đẩy xe cháo ra góc đường bán từ 11 – 12h trưa đến khi hết thì thôi.
“Hôm nào hết sớm thì khỏe, hôm nào còn nhiều quá thì tôi cũng cố ở lại bán cho hết mới về”, bà Nga cho hay.
Bà Nga cùng người chồng đã đồng hành cùng nhau hơn 30 năm vượt mọi khó khăn và lo cho con cái thành người.
Nồi cháo cùng bảng hiệu đơn sơ nhưng lại thu hút rất đông thực khách đến ủng hộ.
Sức mạnh vô tận của người mẹ
Những người quen biết bà Nga đều phải thán phục trước một người phụ nữ tưởng chừng không may mắn nhưng lại có một tinh thần lạc quan và sự nỗ lực, bền bỉ đáng kinh ngạc. Đặc biệt, kể từ khi làm mẹ, dù đối mặt với sự thiếu thốn, khó khăn thế nào, bà Nga vẫn tin tưởng vào tương lai tươi sáng, tin vào một ngày các con sẽ có cuộc đời tốt hơn bà hiện tại.
Người mẹ kiên cường này chưa bao giờ có ý định phụ thuộc vào người khác. “Không ai có thể cho mình tiền mãi mãi. Tôi rất yêu và tự hào về các con nên vất vả, cực khổ bao nhiêu tôi cũng cố gắng để tương lai con không phải mệt mỏi lo ăn từng bữa như mình, tương lai chúng nó nên rực rỡ, tươi sáng hơn“, bà Nga bộc bạch.
Bà có 2 người con gái, trong đó con gái đầu năm nay đã ngoài 30 tuổi, luôn tự hào về tình thương và sự tần tảo, hy sinh của mẹ cho gia đình. Chị bán quán ốc gần đó nhưng mỗi khi mẹ bệnh hay quán cháo đông khách, chị đều chạy qua phụ mẹ. Mẹ cũng là người lan tỏa sự lạc quan, trân quý thực khách đến với chị.
Trong khi đó, người con gái út hiện là niềm tự hào vô bờ của bà Nga. Cô út Nguyễn Phương Trang (20 tuổi) hiện đang là sinh viên ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học tại Đại học Y Dược TP.HCM.
Xe cháo cần mẫn mỗi ngày của bà Nga đã khiến nhiều người cảm phục trước ý chí của người mẹ kiên cường này.
Bà Nga kể, hành trình đến với giảng đường đại học của con gái út cũng không hề dễ dàng. Ban đầu, Trang được tuyển thẳng vào trường Đại học Ngân Hàng nhưng lại đúng thời điểm dịch COVID-19. Khi ấy, cả gia đình bà đều mắc bệnh, kinh tế vốn không dư dả lại sống trong lo sợ giữa tâm dịch, bà và chồng đành bất lực nhìn Trang từ bỏ cơ hội này vì không thể lo nổi tiền học phí.
Sau đó, không chịu từ bỏ, cô con gái út của bà lại tiếp tục thi và đậu vào trường Đại học Y dược TP.HCM. Thời điểm này, cũng vừa hết thời gian giãn cách, dù trong người còn yếu nhưng bà Nga tự nhủ, mình không thể ngồi im nhìn Phương Trang vô duyên với con đường học vấn. Bà gắng gượng ra đường bán từng bó rau để gom góp kiếm tiền lo cho con nhập học.
Bà Nga chia sẻ, mỗi năm học phí của con gái khoảng 50 triệu, là một khoản lớn với gia đình nghèo, cả hai vợ chồng ngày càng mất sức như nhà bà. Tuy vậy, vợ chồng bà Nga đều đồng lòng nhất trí rằng tấm bằng đại học là cơ hội để cuộc đời con gái sang trang mới, không phải vất vả chắt bóp từng đồng như cha mẹ. Bởi vậy, ông bà luôn ráng động viên, mong con học tới nơi tới chốn.
Không phụ sự kỳ vọng của bà, Phương Trang ngoan ngoãn, chăm chỉ, ngoài thời gian học thì cũng rất siêng năng phụ giúp gia đình, đỡ đần cha mẹ. Bà Nga càng nỗ lực hơn, dù mưa hay nắng, ngày ngày bà vẫn đi bán cháo kiếm tiền cho con ăn học.
Dù một mực dồn mọi tâm huyết vào các con nhưng khi được hỏi bà có mong chờ gì vào tương lai thì bà Nga chỉ nở một nụ cười và cho biết: “Tôi chỉ mong các con có được cuộc sống đàng hoàng, kiếm được tiền lo cho bản thân là tôi vui rồi chứ không đòi hỏi gì ở các con”.
Một đời vất vả nhưng bà Nga chưa bao giờ có suy nghĩ dựa dẫm vào các con mà chỉ mong con hạnh phúc, lo được cho bản thân đã là niềm vui lớn nhất đối với bà.
Dù hiện tại sức khỏe của bà Nga ngày càng giảm sút, nhưng tình yêu và sự bầu bạn từ các con luôn tiếp thêm tinh thần và niềm vui, hạnh phúc mỗi ngày cho người mẹ đầy nghị lực này.
Mỗi người mẹ trên cuộc đời này, dù lành lặn hay khiếm khuyết, khi dành tất cả tình yêu thương và niềm mong mỏi vào việc mang tới cho con một cuộc sống tốt đẹp hơn, dường như đều được trao cho nguồn sức mạnh vô tận để tiếp tục bao bọc các con bằng trái tim rộng lớn và tâm hồn cứng cỏi của mình.
Thanh Nam/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM