Nhiều bạn trẻ vượt đường xa đến ngôi chùa đặc biệt để cầu an cho cha mẹ

Nhiều bạn trẻ vượt đường xa đến ngôi chùa đặc biệt để cầu an cho cha mẹ

Nhiều bạn trẻ vượt hàng chục thậm chí hàng trăm cây số từ khắp các tỉnh thành đổ về chùa Bửu Long (toạ lạc tại TP Thủ Đức, TP.HCM), không chỉ là chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc tuyệt mỹ mà còn để cầu an cho cha mẹ trong mùa Vu lan.

Chùa Bửu Long (hay còn gọi là Thiền viện Tổ đình Bửu Long) xây dựng năm 1943, đến năm 2007 được trùng tu quy mô trong 5 năm. Vào năm 2019, ngôi chùa này từng được tạp chí Mỹ – National Geographic bình chọn là 1 trong 10 ngôi chùa có kiến trúc Phật giáo đặc sắc, đẹp nhất thế giới.

Ngôi chùa được toạ lạc tại 1 ngọn đồi bên sông Đồng Nai, cách trung tâm TP.HCM khoảng 20km. 

Tổng diện tích khuôn viên của ngôi chùa vào khoảng 11ha, bao gồm các công trình như Chánh điện, Tăng xá, Âm thất hay Trai đường. Diện tích rộng lớn ấy được phủ kín một màu xanh của cây cỏ, tạo nên một bầu không khí yên bình, trong lành hiếm có tại thành phố tấp nập.

Với không gian thanh tịnh, yên bình, chùa Bửu Long trở thành nơi lý tưởng để mọi người tịnh tâm, suy ngẫm về cuộc sống. Đặc biệt, chùa còn có những nghi lễ cầu an, cầu sức khỏe rất ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ. Những lời cầu nguyện, những lời chúc phúc được gửi gắm đến cha mẹ từ tận đáy lòng, mong cho đấng sinh thành luôn mạnh khỏe, bình an. 

Bạn Phan Hồng Ngọc (19 tuổi, ngụ quận 10) cho biết mình đi cùng người dì ruột xuất phát từ nhà lúc 5h sáng bằng xe buýt để đến đây cầu an cho người mẹ ở nhà. “Mẹ em bệnh mấy năm nay rồi, em thường hay đến chùa để cầu sức khoẻ cho mẹ, năm nay em nghe nhiều người nói đến ngôi chùa này nên đã rủ dì đi đến đây, mong lòng thành của em sẽ được đức phật chứng giám và phù hộ cho mẹ sớm khoẻ lại”, Ngọc tâm sự.  

Trong khi đó, 2 bạn Phạm Xuân Anh (ngụ Bình Dương) và Trần Thuỷ Tiên (ngụ Đồng Nai) đều là sinh viên năm 3, cho biết, đã nghe tiếng của ngôi chùa độc đáo này từ lâu nhưng đến nay mới có dịp đến viếng thăm. “Tụi em đang kỳ nghỉ hè mỗi đứa mỗi nơi nhưng nay mùa Vu lan nên đã hẹn nhau đến đây để cầu an cho gia đình và cha mẹ ở nhà, việc đến chùa cầu nguyện mang lại cảm giác yên bình, giúp chúng em có cơ hội thể hiện lòng hiếu thảo và tình yêu thương đối với đấng sinh thành”, bạn Thuỷ Tiên cho biết.

Nhiều bạn trẻ cho biết, dù hành trình đến chùa Bửu Long có xa xôi và vất vả nhưng họ không ngại khó khăn để có thể thực hiện ước nguyện cầu an cho cha mẹ. Bên cạnh đó, việc dành thời gian để trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa, tôn giáo tại chùa cũng là cách giúp các bạn trẻ mở mang kiến thức, hiểu thêm về giá trị truyền thống.

Chùa theo hệ Phật giáo nguyên thủy Nam tông, có lối kiến trúc đặc trưng của các chùa Thái Lan, Ấn Độ và kết hợp cùng nét kiến trúc các chùa thời Nguyễn tạo nên vẻ đẹp vô cùng độc đáo. Một điểm độc đáo nữa đó là do theo hệ phái Nam Tông, nên chùa chỉ thờ một vị Phật. 

Ngay từ lối vào là một cánh cửa lớn màu vàng đồng với những biểu tượng, hoa văn đậm nét Phật giáo được chạm trổ tinh xảo. 

Tại lối dẫn vào chính điện được điểm xuyết bởi với 2 con rồng 2 bên, đang ngậm ngọc và uốn lượn tạo nên phần lan can vô cùng uy nghi. 

Các chi tiết dù chỉ nhỏ nhất ở cổng chùa, các lối ra vào, những bậc thang, lan can hay trên tường chùa đều được thi công một cách cầu kỳ và tỉ mỉ, đan xen, lồng ghép khéo léo các nét Phật giáo nguyên thủy từ nhiều nền văn hóa khác nhau. 

Điểm nhấn của ngôi chùa là Bảo tháp Gotama Cetiya xây từ năm 2007, rộng trên 2.000 m2, hoàn thành sau 6 năm. 

Gotama Cetiya là ngôi bảo tháp có quy mô lớn nhất Việt Nam với 5 tháp lớn nhỏ, tháp chính điện ở trung tâm cao và lớn nhất với 7 tầng. Mặt sau bảo tháp Gotama Cetiya thiết kế với kiến trúc đối xứng, hài hòa với mặt trước.Đỉnh bảo tháp cao 70 m, được xây dựng theo nét của văn hóa Phù Nam và tất cả đều được sơn vàng vô cùng nổi bậc. 

Bên cạnh khu chính điện còn có là hồ bán nguyệt có diện tích 280 m2, ở giữa có vòi phun nước hình rồng, xung quanh cây xanh bao phủ.

Du khách cũng như các phật tử khi đặt chân đến ngôi chùa này đều cảm nhận được sự nguy nga, tráng lệ với lối kiến trúc vô cùng tỉ mỉ, cùng tông màu vàng nổi bật của ngôi chùa. 

Đặc biệt, các phù điêu đáp nổi hình Phật, hoa sen, lá bồ đề, bánh xe pháp luân… được họa tiết xuyên suốt không gian chùa, xung quanh còn có khuôn viên chùa trang trí nhiều tượng rồng, hạc bằng đá, hình tượng thường thấy trong kiến trúc Á Đông, được chế tác tinh xảo càng đem đến sự ấn tượng khó quên. 

Thanh Nam/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM

Chia sẻ:

Bài viết tương tự

Xem thêm các bài viết mới nhất liên quan đến vấn đề này

Nhờ kỳ tích giàn mướp, lão nông TP.HCM bỏ nhà lá xây biệt thự

Làm điều này tại vườn ổi trên đất phèn, bảo sao anh nông dân TP.HCM thu nửa tỷ đồng mỗi năm

Ước mơ bình thường của người mẹ phi thường vượt qua nghịch cảnh