Ở tuổi mà nhiều người đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi, lão nông Nguyễn Văn Hồng lại trở thành một biểu tượng làm giàu trên đất quê hương. Nhờ kỳ tích giàn mướp, lão nông đã xây được biệt thự khang trang khiến nhiều người thán phục.
2 năm vượt gian khó
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hồng, tên thường gọi là Hải mướp. Cả vùng quê, nếu hỏi tên ông Hồng thì không ai biết, chứ nhắc đến tên “Hải mướp” ai cũng biết.
Tên Hải là tên thường gọi từ lâu ở nhà của ông Hồng, khi ông nổi tiếng với việc trồng mướp nên ai cũng gọi ông là “Hải mướp”.
Vườn mướp rộng nửa hecta của lão nông Nguyễn Văn Hồng.
Trước đây, ông Hồng ông cùng gia đình sống bằng nghề trồng lúa nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống. Ở cái tuổi xế chiều, khi con cái đã trưởng thành, ông vẫn loay hoay tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Một lần được thấy mô hình trồng mướp hương từ nhà bạn, ông nhận ra loại cây này có khả năng sinh lợi cao. Không ngần ngại, ông quyết định thử sức với việc trồng mướp dù không có nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên may mắn có Hội Nông dân TP.HCM hỗ trợ nên ông càng quyết tâm làm giàu từ việc trồng mướp ngay trên đất quê hương.
Do vùng đất trũng nên ông Hồng đã tận dụng trồng mướp VietGAP và đã thành công.
“Việc trồng mướp là một mô hình mới và nhờ bên Hội nông dân hỗ trợ mình về kinh khí, hỗ trợ mình kiến thức để đổi mục đích cây trồng từ lúa sang mướp hương. Trước đây, vùng đất này trồng lúa nhưng năng suất không cao, mình trồng loại hoa màu này thì năng suất cao gấp 6 – 7 lần”, ông Hồng chia sẻ.
Theo ông, ở vũng đất trũng của Đa Phước không phù hợp với trồng lúa vì sản xuất một năm chỉ có 2 vụ, còn mướp làm được 3 vụ và thu nhập từ lúa cũng thấp. Do đó khi thử nghiệm được giàn mướp đầu tiên khiến ông phấn khởi, sau đó bỏ hẳn lúa chuyển sang nhân rộng trồng mướp.
“Ban đầu tôi trồng trên diện đất 5.000m2, sau đó thấy phát triển tốt nên trồng thêm 5.000m2 nữa, hiện tại tổng cộng là 1ha (tức 1 mẫu). Đến nay tôi trồng mướp cũng được 15 năm”, ông Hồng phấn khởi.
Phải mất 2 năm kiên trì, ông Hồng mới thành công với giàn mướp hương.
Ông Hồng đang giàn mướp chuẩn bị thu hoạch.
Tuy nhiên thời điểm mới trồng lão nông đã gặp rất nhiều khó khăn. Để trồng được ông phải đi học, tập huấn trên Hội nông dân cách trồng và chăm sóc, chống sâu bệnh, cũng như cải tạo lại đất.
Mặc dù vậy, lứa mướp đầu tiên của ông Hồng đạt năng suất không cao vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc. Sau khi học hỏi từ vườn những người bạn, ông mới rút được kinh nghiệm khi trồng các vụ sau. Phải mất 2 năm lão nông mới dần cải thiện được tình hình.
Lão nông cho rằng, nếu không có kinh nghiệm việc trồng mướp sẽ rất khó, ai mà không kiên trì sẽ dễ bỏ cuộc. Bởi, người trồng phải biết cách bón phân, chăm sóc cây, lá và phải theo dõi hàng ngày xem nó có bị bệnh gì không,…
Mướp rất dễ bị bệnh bọ trĩ và nấm nên người nông dân phải ra chăm vườn hàng ngày.
“Qua 15 năm kinh nghiệm, tôi thấy khi trồng mướp đa số bị bệnh nấm và bệnh bọ trĩ. Đặc biệt là khi bị bọ trĩ, nếu xuất hiện tại một chỗ thì phải xử lý hết cả vườn vì bệnh này lan ra nhanh. Nếu chủ quan, bỏ bê không quan tâm thì khoảng 4-5 ngày sẽ bị hư hết cả vườn”, lão nông chia sẻ kinh nghiệm.
Không chỉ trồng mướp theo phương pháp truyền thống mà ông Hồng còn nghiên cứu và áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến. Từ việc chọn giống mướp tốt, đến việc làm giàn leo cao để tiết kiệm diện tích và tối ưu hóa năng suất. Ngoài ra, ông đào hệ thống mương nước để chống ngập úng trong mùa mưa và có nước tưới vào mùa khô.
Bỏ nhà lá xây biệt thự, hướng đến livestream bán mướp tại vườn
Sau 2 ngày ươm mầm, ông Hồng sẽ xuống giống và sau 45 ngày sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên với việc đất đã cải tạo khi xới tơi và thêm phân hữu cơ, mướp đã cho thu hoạch đồng loạt với chất lượng tốt chỉ sau khoảng 35 ngày.
Mỗi vụ thời gian thu hoạch kéo dài 2 tháng, trung bình mỗi ngày từ 400 – 500kg mướp, trừ hết chi phí ông Hồng sẽ thu về khoảng 90 triệu đồng/vụ. Mỗi năm có 3 vụ thu hoạch mướp để bán cho thương lái và lão nông bỏ túi khoảng 270 triệu đồng.
Những trái mướp chuẩn bị được thu hoạch trong vài ngày tới.
Ông Hồng khoe những trái mướp VietGAP chất lượng chuẩn bị thu hoạch.
Ông Hồng không chỉ bán mướp quả mà còn tận dụng những sản phẩm phụ khác như lá mướp, hoa mướp, xơ mướp cung cấp cho các đầu mối. Nhờ vậy, thu nhập của người nông dân này ngày càng tăng cao.
“Trước đó gia đình tôi gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sau nhiều năm trồng mướp, tích góp tiết kiệm nên đời sống gia đình cũng được cải thiện. Từ căn nhà cấp 4 xập xệ, bây giờ tôi đã xây được căn biệt thự khang trang nên mừng lắm”, người nông dân khoe thành quả đạt được sau nhiều năm cố gắng.
Sau nhiều năm kiên trì với giàn mướp ông Hồng đã xây được căn biệt thự khoảng 2 tỷ đồng.
Hiện, giàn mướp ông Hồng đã trở thành mô hình trồng trọt kiểu mẫu tại địa phương vì theo mô hình VietGAP.
Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường online, trong thời gian tới, ông Hồng cũng dự định sẽ nhân rộng việc trồng mướp để gia tăng sản lượng, từ đó sẽ đưa nông sản sạch lên sàn thương mại điện tử cũng như livestream bán hàng ngay tại vườn để có giá tốt hơn.
Trong thời gian tới ông Hồng dự định đưa giàn mướp mình lên sóng livestream và sàn thương mại điện tử.
“Những video chân thực, gần gũi sẽ rất tuyệt vời, thu hút mọi người và sẽ bán được nhưng hiện tại do tôi không có thời gian nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên trong thời gian tới tôi sẽ thực hiện nó”, ông Hồng chia sẻ về định hướng trở thành nông dân thời đại số.
Tứ Quý/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM