Trồng loại trái được ví như “vàng xanh” trên đất phèn, nông dân tưởng mất trắng ai ngờ thu tiền tỷ mỗi năm

Trồng loại trái được ví như “vàng xanh” trên đất phèn, nông dân tưởng mất trắng ai ngờ thu tiền tỷ mỗi năm


Với những người nông dân hiện đại, đất phèn không còn là trở ngại mà ngược lại, trở thành một môi trường lý tưởng để trồng loại cây trái được ví như “vàng xanh”, cho thu nhập tiền tỉ mỗi năm.

Trong những năm gần đây, bưởi da xanh đã trở thành một loại cây trồng mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên tại TP.HCM, một số nông dân cũng đã thành công trong việc trồng bưởi da xanh, đặc biệt hơn khi loại “vàng xanh” này có thể trồng được trên thổ nhưỡng bị nhiễm phèn nặng.

Điển hình là vợ chồng ông Trần Mạnh Hà (67 tuổi) và bà Hà Thị Bưởi (ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một trong những nông dân tiên phong trong việc trồng bưởi da xanh trên đất phèn.

Hiện nay vợ chồng ông Hà đang sở hữu vườn bưởi da xanh trên vùng đất phèn 3ha. Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi, ông Hà vô cùng tự hào vì đã vượt qua những ngày gian khó để có được vườn bưởi đẹp, trĩu quả như ngày hôm nay.

Vườn bưởi 3ha của ông Hà có thể cho doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.

Hơn chục năm trước, hai vợ chồng ông vào TP.HCM du lịch, khi đến khu vực xã Phạm Văn Hai thấy đất nông trường còn hoang sơ, nên quyết định xuống tiền để thuê lâu dài trồng trái cây.

Ban đầu, do không biết đất bị nhiễm phèn nên vợ chồng ông Hà trồng mít xuất khẩu nhưng thất bại. Sau đó trồng dừa nhưng cũng không hiệu quả. Cuối cùng phải chặt bỏ hết vườn dừa, chuyển sang trồng bưởi và đây là quyết định vô cùng đúng đắn của vợ chồng ông Hà.

Tuy nhiên, thời gian đầu, cả vườn bưởi bị chết sạch do đất bị nhiễm phèn nặng. Mặc dù mất trắng, nhưng vợ chồng ông không bỏ cuộc. Ông Hà tìm tòi, học hỏi nhiều nơi từ trên mạng đến kinh nghiệm từ những nông dân khác việc chăm sóc, cải tạo đất như thế nào,… Nhờ vậy sau 1 năm vườn bưởi của vợ chồng ông mới xuất bán được vừa đầu tiên.

Vườn bưởi của ông Hà được đầu tư bài bản, khoa học với mương điều tiết nước.

Hệ thống tưới tiêu tự động tại vườn bưởi.

Cây bưởi trồng trên đất bình thường thì có tuổi thọ lâu hơn, còn trồng trên đất phèn thì ngắn hơn. Đồng thời nếu thu hoạch nhiều quá thì tuổi thọ của cây cũng sẽ giảm dần. Cây trồng trên đất phèn thường có gốc nhỏ hơn cây trồng trên đất bình thường, nhưng bù lại cho ra trái đẹp hơn nhờ áp dụng việc chăm sóc hiện đại để chống sâu bệnh”, ông Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, để thành công trong việc trồng bưởi da xanh trên đất phèn, ông đã áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến. Ngoài chọn giống bưởi da xanh có khả năng chịu được môi trường khắc nghiệt thì việc cải tạo đất được xem là quan trọng nhất.

Trước khi trồng, phải tiến hành cải tạo đất, làm cỏ, bón phân hữu cơ, đào hồ điều tiết nước và áp dụng các biện pháp giảm độ chua của đất. Việc này giúp tạo môi trường đất trung tính hơn, giàu dinh dưỡng và ổn định độ pH, giúp cây bưởi phát triển khỏe mạnh.

Mỗi cây bưởi tại vườn đều cho ra hàng chục quả.

Ông Hà cho biết, mỗi trái bưởi nặng từ 2-3kg.

Ngoài ra, quá trình chăm sóc cây bưởi da xanh cũng phải đảm bảo tính khoa học, việc tưới tiêu hợp lý, tránh để cây bị ngập úng trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô. Đó là lý do ông Hà đào mương nước giữa vườn bưởi để đảm bảo việc điều tiết nước tưới.

“Trước đó tôi thấy nhiều người trồng bưởi nhưng không đầu tư chăm sóc tỉ mỉ nên thường chết hết vì đất phèn và bưởi cũng rất dễ bị sâu bệnh. Nếu mà đầu chăm sóc tốt mỗi năm thu về khoảng 1 tỷ đồng và tầm 1-2 tháng là có thể thu hoạch. Điểm đặc biệt của bưởi này là dù trái có già nhưng vẫn có thể để trên cây được cả tháng”, ông Hà nói.

Ông Hà đang bón phân hữu cơ cho cây bưởi.

Hiện vườn bưởi của ông Hà thuê thêm 2 nhân công để hỗ trợ chăm sóc.

Cây bưởi trồng trên đất phèn thường có gốc nhỏ hơn so với trồng trên đất bình thường.

Cây bưởi thấp nên trái thường xà xuống sát đất.

Được biết, trước dịch Covid-19, ông bán cho thương lái 50.000-55.000 đồng/kg, nhưng sau dịch giá bán đã giảm xuống còn khoảng 40.000 đồng/ký nhưng do trồng với số lượng lớn nên không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập hàng năm của gia đình ông.

Hiện chủ yếu ông Hà thu hoạch bưởi bán cho thương lái đến thu mua nên giá cả đều phụ thuộc vào họ. Vợ chồng ông cũng từng nghĩ đến việc đưa bưởi da xanh lên sàn thương mại điện tử hoặc livestream bán bưởi tại vườn để có giá cao hơn, tăng thu nhập nhưng do vẫn chưa rành về công nghệ cũng như việc vận chuyển nên chưa dám thử.

Mặc dù vậy, bưởi da xanh còn có tiềm năng xuất khẩu lớn khi đã chinh phục được nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Sự phát triển này giúp đảm bảo đầu ra ổn định và tăng giá trị cho bưởi da xanh, đã tạo thêm động lực cho vợ chồng ông Hà tiếp tục mở rộng sản xuất.

Tứ Quý – Thanh Nam/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM

Bài viết tương tự

Xem thêm các bài viết mới nhất liên quan đến vấn đề này

Nhờ kỳ tích giàn mướp, lão nông TP.HCM bỏ nhà lá xây biệt thự

Làm điều này tại vườn ổi trên đất phèn, bảo sao anh nông dân TP.HCM thu nửa tỷ đồng mỗi năm

Ước mơ bình thường của người mẹ phi thường vượt qua nghịch cảnh