Nhận thấy quá trình đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nên lão nông gần 70 tuổi quyết định chuyển hướng sang trồng nấm bằng công nghệ cao. Quyết định này không chỉ giúp gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn đem lại thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trồng nấm bằng công nghệ cao bằng máy móc tự chế
Nhắc tới ông Nguyễn Dư Hào (67 tuổi), nhiều người dân phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đều quen mặt bởi sự thành công của ông trong việc trồng nấm bằng công nghệ cao.
Trước đây gia đình ông nuôi heo rừng, nhưng do quá trình đô thị hóa nên việc nuôi heo không còn thích hợp nữa, dễ gây ô nhiễm môi trường. Sau đó gia đình được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi mô hình nuôi trồng từ nuôi heo rừng sang trồng nấm.
Sau nhiều lần cân nhắc và tìm hiểu thị trường, ông Hào nhận thấy nghề trồng nấm, đặc biệt là các loại nấm dược liệu như nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo và nấm bào ngư, đang có tiềm năng lớn. Đây là những loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao, sẽ được thị trường ưa chuộng trong tương lai nên ông quyết định đầu tư vào mô hình này.
Tuy nhiên, để trồng được nấm chất lượng cao đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật, đầu tư công nghệ và hiểu biết về quy trình canh tác nên thời gian đầu ông gặp rất nhiều khó khăn.
Giai đoạn cho hỗn hợp dinh dưỡng vào túi để mang đi nấu.
Mặc dù con của ông có học ở viện sinh học về ngành nấm nhưng do kiến thức trong giáo trình khác xa với thực tế nên khi áp dụng không phù hợp, gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật. Hơn nữa việc tìm đầu ra cho nấm cũng là một trở ngại lớn do chưa có mối.
“Trước đó mình nuôi heo rừng nên có mối quen rồi dễ bán, các nhà hàng rất ưa chuộng thịt heo rừng. Nhưng khi chuyển qua trồng nấm thì khó khăn rất nhiều, ngoài khâu kỹ thuật trồng còn đầu ra cho sản phẩm. Ban đầu trồng thua lỗ nhiều nên phải vay mượn đầu này đầu kia để cứu vãn, nhờ kiên trì, luôn đổi mới cải tiến nên tôi mới có được ngày hôm nay. Nói chứ phải mất 5 năm mới ổn định, có mối bao tiêu sản phẩm cho mình”, ông Hào chia sẻ.
Ông Hào đang xịt cồn để tiệt trùng cho meo nấm vừa được cấy.
Mặc dù lớn tuổi nhưng với đôi tay khéo léo và khối óc nhạy bén, hầu hết máy móc kỹ thuật tại nông trại nấm của ông Hào đều do chính ông tự chế. Vật dụng nào hiện đại ông mới đi mua rồi về chế tạo theo cách riêng của mình để áp dụng cho phù hợp quá trình trồng nấm.
Nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, ông Hào đã tạo ra một môi trường nuôi trồng nấm lý tưởng, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt bên ngoài. Hệ thống tự động giúp giảm thiểu tối đa sức lao động, đồng thời tăng năng suất và chất lượng nấm.
Do đã ứng dụng nhiều công nghệ tự động nên nông trại nấm của ông Hào chỉ còn 1-2 nhân công thời vụ.
Công đoạn nấu các túi dinh dưỡng trong khoảng 15 tiếng để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.
Sau khi trải qua 5 năm với nhiều thất bại, mô hình trồng nấm của ông bắt đầu có những thành công ban đầu. Sản phẩm nấm bào ngư của ông đạt chất lượng cao, được thị trường đón nhận. Đầu ra bao tiêu sản phẩm là các đầu mối mua về bán lại tại các chợ, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, giá bán theo giá giá sỉ.
Sau khi ổn định việc trồng nấm, ông Hào bắt đầu mở rộng diện tích từ 300 – 400m2 ban đầu lên thành 2.000m2 trồng nấm với các loại như bào ngư, linh chi, đông trùng hạ thảo, nấm rơm. Hiện, ông chỉ trồng chính là loại nấm bào ngư và rồi tận phế phẩm này để được trồng nấm rơm với năng suất khoảng 1,2 tấn/năm.
Tự động hóa nhưng vẫn tỉ mỉ từng khâu
Không giống như nuôi heo rừng, quá trình trồng nấm có nhiều khâu then chốt và khâu nào cũng quan trọng, nếu người nông dân không tỉ mỉ từng khâu thì nấm khi sinh trưởng sẽ không đạt năng suất, chất lượng.
“Nấu dinh dưỡng này cũng là một cái khâu rất là then chốt. Việc nấu này là vệ sinh mình làm vệ sinh, dùng nhiệt hấp để loại bỏ những vi khuẩn, vi sinh gây bệnh cho nấm trong túi này”, ông Hà nói lúc đang sắp xếp từng túi nilon dinh dưỡng vào lò hơi.
Mất khoảng 3 tiếng nước sôi, sau đó nấu thêm 12 tiếng nữa mới hoàn thành. Công nghệ nấu được thực hiện tự động.
Theo ông Hào, quá trình trồng nấm trải qua nhiều giai đoạn, đầu tiên dùng nguyên liệu mùn cưa cao su tươi (được lấy từ Bình Phước) cho vào máy trộn với nước vôi rồi ủ khoảng 10 ngày. Sau đó đem hỗn hợp này trộn tiếp với cám bắp và cám gạo để ra nguyên liệu chính rồi đóng thành từng túi nilon nhỏ. Trước khi cho vào túi nilon cũng phải kiểm tra độ ẩm để đảm bảo nấm phát triển ổn định.
“Mình trộn mùn cưa với cám bắp, cám gạo thực chất là trộn dinh dưỡng. Nấm cần dinh dưỡng để phát triển, hay còn gọi là chất mồi để sinh trưởng. Nếu trộn với xenlulo thì nấm sẽ hấp thụ dinh dưỡng chậm hơn, còn với cám bắp và cám gạo thì nấm sẽ ăn nhanh hơn và phát triển tốt hơn”, ông Hào chia sẻ.
Sau khi cho dinh dưỡng vào túi nilon, sẽ đem nấu trong lò hơi nước chạy bằng điện khoảng 15 tiếng để tiệt trùng. Khoảng 1 ngày sau để nguội, từng túi dinh dưỡng sẽ được mang đi cấy meo nấm.
Đây là khu vực để cấy meo nấm.
Mỗi túi nấm như thế này sẽ cho ra khoảng 6-7 đợt.
Sau khoảng 80 – 90 ngày cấy meo sẽ ra nấm và thu hoạch.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hào còn chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trồng nấm cho những người nông dân nào muốn thử nghiệm. Bên cạnh đó, ông thường trích lại một khoản lợi nhuận từ thu nhập 400 triệu/năm từ việc bán nấm để hỗ trợ cho những người hoàn cảnh khó khăn trong Hội nông dân địa phương.
Câu chuyện của ông Hào là minh chứng rõ nét cho sự dám nghĩ dám làm, mạnh dạn thay đổi và bắt kịp xu hướng thị trường. Từ một người nuôi heo rừng truyền thống, ông đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và thành công nhờ trồng nấm công nghệ cao.
Qua câu chuyện của ông Hào, có thể thấy rằng sự đổi mới trong nông nghiệp không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững hơn. Trong thời đại hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao và nắm bắt thị trường là chìa khóa giúp người nông dân không chỉ trụ vững mà còn phát triển mạnh mẽ hơn.
Tứ Quý/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM